Cấu trúc và phân loại sợi thần kinh

[Copy và trích lại từ http://www.blogsinhhoc.com/2013/01/cau-tao-phan-loai-day-than-kinh.html)

Sợi thần kinh là các nhánh của tế bào thần kinh gồm sợi trục (axon) và sợi nhánh (dendrite). Chiều dài các sợi trục từ vài micromet đến vài chục centimet, còn chiều dài của các sợi nhánh có thể tới 1mm. Chiều dày của sợi trục bằng nhau theo suốt chiều dài của sợi và bằng khoảng vài micromet. Các sợi thần kinh  được chia thành hai loại: sợi có myelin (sợi trắng) và sợi không có myelin (sợi xám).

I. Phân loại theo cấu tạo:

Image result for sợi thần kinh có bao miêlin

Source: http://loigiaihay.com/dien-the-hoat-dong-va-su-lan-truyen-xung-than-kinh-c70a16850.html

  • Sợi thần kinh có bao myelin

 Sợi thần kinh có myelin tính từ giữa ra biên gồm có sợi trục, bao myelin và một màng bao bọc ngoài cùng. Sợi trục xuất phát trực tiếp từ thân neuron, gồm có nhiều tơ thần kinh nằm suốt dọc chiều dài của sợi thần kinh. Các tơ thần kinh nằm trong nguyên sinh chất bán lỏng (neuroplasma). Xung quanh sợi trục là tế bào Schwann. Màng của tế bào Schwann cuộn quanh sợi trục, tạo thành nhiều lớp có chứa myelin. Giữa sợi trục và bao myelin còn có một bao nguyên sinh chất nữa gọi là bao Mauthner. Bao myelin không liên tục trên sợi trục mà có những chỗ ngắt quãng, thường ở chỗ ranh giới của hai tế bào Schwann, chỗ ngắt quãng  đó gọi là eo Ranvier. Khoảng cách giữa hai eo Ranvier dài khoảng 1,5 – 2 mm. Eo Ranvier là nơi trao đổi các ion và các chất dinh dưỡng giữa sợi trục và dịch kẽ. Ở cuối sợi thần kinh, sợi trục chia ra nhiều nhánh nhỏ không có myelin, các nhánh nhỏ tận cùng bằng một đầu phình to gọi là cúc tận cùng.

  • Sợi thần kinh không có bao myelin

 Sợi thần kinh không có myelin chỉ được bao quanh một màng liên kết mỏng. Giữa sợi trục và màng liên kết có nhân, khiến cho sợi thần kinh có dạng sần sùi. Ở động vật có xương sống các sợi thần kinh không có myelin chủ yếu là các sợi thần kinh thực vật. Các sợi thần kinh cảm giác và vận động có myelin là thành phần của các dây thần kinh đi đến các cơ quan cảm giác và cơ vân. Các sợi thần kinh đi chung với nhau tạo thành một bó, được bao bọc bởi màng mô liên kết gọi là dây thần kinh. Tỷ lệ giữa các sợi thần kinh không có myelin và các sợi có myelin trong dây thần kinh khác nhau giao động từ 1/1 đến 4/1. Ở động vật không xương sống các sợi thần kinh không có myelin chiếm đa số.

II. Phân loại theo chức năng

 Theo chức năng, các sợi thần kinh được chia làm 3 loại: sợi cảm giác (hay hướng tâm), sợi liên hợp (hay trung gian), sợi vận động (hay ly tâm).

  1. Sợi thần kinh cảm giác

 Các sợi cảm giác dẫn truyền các xung thần kinh từ các receptor ở các cơ quan cảm giác vào hệ thần kinh trung ương. Thân neuron có sợi thần kinh cảm giác nằm trong các hạch thần kinh ở ngoài hệ thần kinh trung ương.

  1. Sợi thần kinh liên hợp

Các sợi thần kinh liên hợp xuất phát từ thân neuron nằm trong hệ thần kinh trung ương. Cả sợi trục và sợi nhánh thuộc neuron này cùng nằm trong hệ thần kinh trung ương, chúng nối các neuron trong hệ thần kinh với nhau.

  1. Sợi thần kinh vận động

Các sợi vận động xuất phát từ các neuron nằm trong hệ thần kinh trung ương hoặc trong các hạch thần kinh ở ngoài hệ thần kinh trung ương, sợi trục của neuron hưởng đến các cơ quan thực hiện.

III. Phân loại theo cấu trúc – chức năng

 Theo cấu trúc – chức năng, các sợi thần kinh ngoại vi được chia thành 3 nhóm:  A, B và C.

– Các sợi thần kinh nhóm A có myelin, đường kính từ 1 đến 22 micromet. Thuộc nhóm A có các sợi thần kinh vận động chạy đến cơ vân và các sợi thần kinh hướng tâm truyền hưng phấn từ các thụ cảm thể xúc giác, áp lực, cảm giác cơ – khớp, các thụ cảm thể của các nội tạng.

– Các sợi thần kinh nhóm B có màng myelin mỏng, đường kính từ 1 đến 3,5 micromet.

Thuộc nhóm này có các sợi thần kinh thực vật trước hạch.

– Các sợi thần kinh nhóm C không có myelin, đường kính từ 0,5 đến 2 micromet. Thuộc nhóm này có các sợi thần kinh thực vật sau hạch, các sợi thần kinh hướng tâm truyền cảm giác đau, cảm giác nhiêt, áp lực.

 Các sợi thần kinh không thể tồn tại được khi tách khỏi thân neuron. Khi sợi thần kinh bị đứt, thì phần ngoại vi của nó bị thoái hóa, tiêu biến. Khi nối đoạn ngoại vi bị thoái hoá với đoạn trung tâm còn giữ mối liên hệ với thân neuron, đoạn ngoại vi bắt đầu tái sinh. Sợi thần kinh bắt đầu mọc từ đoạn trung tâm ra ngoại vi khoảng 2-3 ngày sau khi bị cắt đứt và được nối lại. Sự tái sinh các sợi thần kinh diễn ra rất chậm, mỗi ngày chỉ phát triển được 0,3-1 mm.

Ở các cơ quan khác nhau thời gian phục hồi chức năng của các sợi thần kinh sau khi bị đứt khác nhau. Ở cơ những dấu hiệu đầu tiên về sự phục hồi chức năng của sợi thần kinh bắt đầu sau khoảng 5-6 tuần, sự phục hồi hoàn toàn xảy ra chậm hơn nhiều, phải sau mấy tháng, có khi cả năm.

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Cấu trúc và phân loại sợi thần kinh

Bình luận về bài viết này